Hiện nay, cả nước có 324 khu công nghiệp (KCN) với gần 92.000 ha. Trên thực tế, vẫn còn tồn tại nhiều lỗ hổng trong quản lý KCN như tình trạng ôm đất vàng rồi bỏ hoang, gây ô nhiễm môi trường…

Địa phương chạy đua cấp phép thành lập KCN, thiếu thẩm định nên xảy ra tình trạng thành lập xong không thu hút được doanh nghiệp, dẫn đến tỷ lệ lấp đầy chỉ 10-15%. Thủ tướng đã ra công văn công khai địa phương có tỷ lệ lấp đầy thấp và “trảm” hàng loạt KCN trên cả nước.

Hơn 30.000 ha đất KCN bỏ hoang nằm chờ doanh nghiệp

Tọa lạc trên vị trí “vàng” tại quận Long Biên (Hà Nội), nằm cạnh Quốc lộ 5, KCN Hà Nội – Đài Tư được cấp phép từ năm 1995. Mặc dù đã xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ hệ thống điện nước, thoát nước, xử lý nước thải nhưng sau gần 20 năm hoạt động, đa số diện tích đất thuộc khu công nghiệp vẫn bỏ hoang. Qua cổng KCN chừng vài trăm mét là những bãi lau sậy cao quá đầu người, bốt điện của từng khu đất đầy rêu mốc. Nhà điều hành KCN lọt thỏm giữa những bãi đất hoang, um tùm cỏ dại.

Vì không thu hút được doanh nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp sạch và công nghệ cao nên tỷ lệ lấp đầy của KCN đến nay chỉ đạt gần 40%. Mới đây, Chính phủ đã đồng ý cho UBND TP. Hà Nội chuyển đổi chức năng KCN Hà Nội- Đài Tư thành khu đô thị.

Đất Hà Nội – Đài Tư chỉ là một phần trong hàng chục nghìn ha “đất vàng” đưa vào xây dựng KCN trên cả nước rồi bỏ hoang lãng phí. Thống kê của Bộ KH&ĐT cho thấy, diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê (đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, hệ thống điện, nước, xử lý nước thải…) gần 62.000 ha, song diện tích đất đã cho thuê chỉ đạt một nửa. Hiện số này đang bỏ hoang, chờ đợi nhà đầu tư.

Trước thực trạng trên, năm 2014, Thủ tướng có công văn về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN và hệ thống xử lý nước thải tập trung. Cụ thể, “bêu tên” 10 tỉnh có diện tích lấp đầy KCN thấp nhất cả nước. Đứng đầu danh sách này là tỉnh Bình Thuận với diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê lên tới gần 1.600 ha (trong đó có 700 ha đất sạch, đã đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng đường, điện, nước) song chỉ lấp đầy hơn 10%.

Tỷ lệ lấp đầy KCN
Tỷ lệ lấp đầy KCN chỉ đạt 15%

Ông Châu Thủy Cảnh, Phó Trưởng ban quản lý KCN tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh này rất ưu tiên thu hút đầu tư. Tỉnh chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất KCN với mong muốn tăng giá trị sử dụng, tạo việc làm trong các nhà máy cho người dân.

Theo ông Cảnh, tỉnh Bình Thuận định hướng thu hút các doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu, cơ khí và vật liệu xây dựng. Khi quy hoạch 1.600 ha đất, tỉnh hy vọng cảng biển Kê Gà được xây dựng sẽ tạo hệ thống giao thông thuận lợi thu hút nhà đầu tư. Tuy nhiên, năm 2013, Kê Gà bị loại ra khỏi quy hoạch cảng biển. Hiện nay không có cảng biển rất khó thu hút doanh nghiệp.

Bảng danh sách các tỉnh bị “bêu tên” tiếp theo có tỷ lệ lấp đầy 11%-30% gồm Ninh Thuận, Cà Mau, Hoà Bình, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Cao Bằng, Hưng Yên, Thanh Hóa.

Vụ phó Quản lý Khu kinh tế (Bộ KH&ĐT) Vũ Quốc Huy cho hay, chúng ta chưa có quy định về tỷ lệ lấp đầy trong các KCN. Việc thành lập mới KCN chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn sẽ được cấp phép. Riêng với KCN xin mở rộng diện tích, phải đáp ứng tỷ lệ lấp đầy từ 60% trở lên mới được cấp phép dự án mới.

Ông Huy nhấn mạnh, việc ra công văn thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong loại bỏ KCN kém hiệu quả. Nhà nước khuyến khích cho doanh nghiệp xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư nhưng kiên quyết loại bỏ doanh nghiệp yếu kém, rút giấy phép các KCN sau 12 tháng không xây dựng.

“Trảm” hàng loạt KCN

Trong phê duyệt tổng thể phát triển các KCN đến năm 2015, tầm nhìn 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên cả nước sẽ có 463 KCN với diện tích khoảng 140.000 ha. Nhằm bắt kịp xu hướng này, nhiều tỉnh cấp phép  lập KCN ồ ạt, không căn cứ vào tình hình thực tế. Cuối năm 2014, Thủ tướng đã ra công văn yêu cầu điều chỉnh quy hoạch phát triển KCN của 31 tỉnh thành trên cả nước. Giảm diện tích và loại bỏ hàng loạt KCN.

Các tỉnh bị “bêu tên”, loại bỏ và giảm diện tích các KCN chưa thành lập gồm: Hà Giang, Vĩnh Phúc, Tây Ninh, Tiền Giang, Bến Tre. Tổng diện tích bị loại bỏ và giảm diện tích lên tới gần 2.000 ha. Trong đó, tỉnh Vĩnh Phúc phải loại khỏi quy hoạch 2 KCN Hội Hợp và Vĩnh Tường. Tỉnh Tây Ninh loại khỏi quy hoạch 2 KCN: Gia Bình, Bàu Hai Năm và giảm diện tích KCN Thanh Điền. Tỉnh Bến Tre giảm diện tích 4 KCN gồm: Thanh Tân, Giao Hoà, An Hiệp, Phước Long.

Công văn của Thủ tướng nêu rõ, UBND các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các KCN. 10 tỉnh có tỷ lệ lấp đầy KCN thấp nhất, định kỳ 6 tháng phải có báo cáo về tình hình thu hút đầu tư gửi Bộ KH&ĐT để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (ĐH Kinh tế, ĐH QG Hà Nội) đánh giá, việc thành lập KCN rồi bỏ hoang là do nhà đầu tư thiếu tầm nhìn, kế hoạch. Sau thời gian hoạt động không hiệu quả hoặc bỏ hoang phí, nhà nước nên thu hồi dự án để tránh việc chiếm giữ đất gây lãng phí cho xã hội.

Ông Thành nhấn mạnh, bài học ở đây là chính quyền các địa phương không nên ảo tưởng quá về KCN. Có KCN lấp đầy rất nhanh vì hạ tầng, vị trí tốt. Trong khi nhiều địa phương không được như thế nhưng cứ ảo tưởng sẽ làm mất đất sản xuất nông nghiệp của người dân.

[contact-form-7 id="18637" title="Contact form ở trang tin tức"]