Một số khu vực có giá nhà tăng trưởng nóng tại Mỹ đã bắt đầu có dấu hiệu giảm nhiệt, nhất là tại miền Tây, khi nhu cầu giảm bớt và lượng cung hàng thấp khiến người mua nản lòng.
Theo hãng nghiên cứu Zillow, các thành phố lớn tại miền Tây nước Mỹ như Los Angeles, Denver, San Diego và Austin, đang chứng kiến giá bất động sản (BĐS) dịu bớt sau vài năm luôn có tốc độ tăng trưởng 2 con số. Ngoài ra, việc trung tâm công nghệ lớn tại San Francisco có dấu hiệu giảm tốc khiến giá nhà tại các khu vực này bị tác động rõ rệt. Giá nhà trung bình tại các khu vực kể trên trong tháng 8/2016 chỉ tăng chưa tới 1% so với năm trước đó.
Nhu cầu đối với BĐS vốn tăng mạnh trong 5 năm qua tại phía Tây nước Mỹ đã bắt đầu giảm sút, khi người mua trở nên mệt mỏi với các thương vụ mua bán nhà và không thể chi trả cho BĐS với giá trị vượt xa so với thu nhập trung bình hàng tháng của mình. Mặt khác, việc thị trường việc làm có nhiều cải thiện đã thúc đẩy nhiều người tới tìm việc tại các thành phố lớn hơn, khiến cho nhu cầu BĐS tại miền Tây giảm bớt.
Svenja Gudell, nhà kinh tế trưởng tại Zillow cho biết, người mua nhà đã bắt đầu cảm thấy đôi chút mệt mỏi với giá nhà quá cao và bắt đầu lùi lại một bước, suy nghĩ kỹ hơn trước khi thực hiện các giao dịch. Giá nhà đã tăng rất nhiều trong vài năm qua, giống như một sự hồi phục của thị trường sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Do đó, giá nhà hiện tại đang đắt đỏ hơn rất nhiều so với trước đây.
Nhu cầu đối với BĐS tại phía Tây nước Mỹ đã bắt đầu giảm sút |
Trước đó, các thành phố phía Tây nước Mỹ đã dẫn đầu đà hồi phục sau suy thoái kinh tế với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt kỷ lục mới, việc làm gia tăng, nhất là trong ngành công nghệ, khiến nhu cầu nhà ở tại đây cũng cao hơn. Theo số liệu của Zillow, trong 5 năm qua, giá nhà tại Denver đã tăng 71%; San Francisco tăng 66% và Austin tăng 54%, trong khi mức tăng trung bình của cả nước là 22%.
Patrick Carlisle, chuyên gia trưởng về thị trường tại Paragon Real Estate Group (San Francisco) cho rằng, giá nhà hạ nhiệt là một thay đổi tích cực.
“Việc giá nhà giảm bớt, trở về gần mức bình thường sau một thời gian tăng trưởng quá nóng không phải là tin xấu. Việc giá nhà tăng quá nhanh đã tạo nên những áp lực xã hội tiêu cực trong khu vực, ảnh hưởng tới tâm lý của các công ty công nghệ cao cũng như các dự án khởi nghiệp, bởi họ sẽ muốn đặt trụ sở ở một nơi khác”, Carlisle cho biết.
Do thị trường tại các thành phố miền Tây phát triển quá nóng, nên một số người mua nhà đã chuyển vị trí tìm kiếm sang các khu vực lân cận, thúc đẩy đà tăng tại các khu vực xung quanh các thành phố này. Đơn cử, giá nhà trung bình tại khu vực ngoại ô của Denver trong tháng 8 đã tăng 13% so với một năm trước đó. Hay giá nhà tại Englewood – một thị trấn nhỏ gần Denver cũng tăng 14%.
Bên cạnh hoạt động bán nhà mới, lĩnh vực cho thuê BĐS, chủ yếu là văn phòng và căn hộ cũng theo xu hướng đi xuống. Đây là kết quả của việc có thêm hàng nghìn căn hộ mới được cung cấp ra thị trường. Có thể thấy, tình hình cho thuê nhà tại San Francisco khá trì trệ trong nửa đầu năm và giá nhà cho thuê đã đạt mức mà ít người sẵn sàng chi trả.
Theo Zillow, giá nhà cho thuê tại các thành phố phía Tây đã tăng trung bình 2,5% trong tháng 8, so với mức tăng 17% năm 2015. Tại Austin, giá nhà tăng 2,6%, thấp hơn so với mức tăng 8,4% năm trước đó; trong khi con số tại Denver là 4,4%, so với mức 12% năm ngoái. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở Los Angeles, San Diego, Phoenix, Portland và Seattle.
Lawrence Yun, kinh tế gia trưởng tại Hiệp hội Các nhà môi giới BĐS quốc gia Mỹ cho rằng, việc giá nhà bán ra và cho thuê tại các thành phố lớn miền Tây nước Mỹ giảm xuống không phải do thiếu nhu cầu.
Theo Lawrence, tình trạng giảm tốc tại các khu vực này là do thực tế giá nhà quá đắt đỏ, người dân phải tìm kiếm BĐS tại các khu vực khác với mức giá dễ chịu hơn. Nếu bằng cách nào đó, giá nhà tại đây giảm xuống thì sẽ lại có làn sóng mới những người mua nhà đổ về đây.