Xu hướng đầu tư BĐS ở nước ngoài thật ra không phải là chuyện mới của các nhà đầu tư Việt Nam. Đây được coi là kênh đầu tư dài hơi và hứa hẹn sinh lợi trong tương lai.
Tìm kiếm kênh đầu tư “dài hơi”
Nhà đầu tư Việt Nam “đổ” tiền vào BĐS nước ngoài là câu chuyện không mới mẻ. Trước đó chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Hoàng Nguyên Đức (Bầu Đức) đã lấn sân thị trường BĐS Myanmar, Lào, Thái Lan, Nhật Bản và có những thành công nhất định. Năm 2013, vị doanh nhân này đã từng phát biểu rằng TTBĐS Việt Nam không còn là con gà đẻ trứng vàng và ông ưu tiên tập trung cho thị trường Myanmar…
Mới đây, 3 siêu dự án tại Singapore là Wallich Residence, Leedon Residence và Sims Urban Oasis của Tập đoàn GuocoLand Limited (GuocoLand) chính thức được giới thiệu đến giới nhà giàu Việt Nam. Sự kiện thu hút không ít doanh nhân và chuyên gia trong ngành theo dõi thông tin dự án.
Những dự án tại thị trường Đông Nam Á đang được giới đầu tư Việt Nam |
Malaysia cũng chào bán căn hộ cao cấp Star Residences Two tại Tp.HCM. Được biết có 11 khách hàng Việt Nam đã đăng ký giữ chỗ mua căn hộ này. Theo chủ đầu tư dự án, Malaysia là quốc gia có chính sách mua nhà cho người nước ngoài rất tốt. Không phân biệt quốc tịch, tôn giáo và giới tính, cá nhân hay doanh nghiệp mua BĐS tại đất nước này đều được hưởng quyền bình đẳng, đồng thời còn được rất nhiều ưu tiên khác về con cái, thẻ visa…
Năm 2015, Công ty Landmark Holdings giới thiệu 4 dự án tại Australia đến thị trường Việt Nam: Lakeland (Pakenham), 33 North (North Melbourne), Lynch Street (Hawthorn) và dự án One Whitsundays (bãi biển Airlie, bang Queensland). Các sản phẩm này có giá từ 400.000 AUD đến 650.000 AUD. Dự kiến năm 2020 đơn vị này sẽ tiếp tục giới thiệu đến nhà đầu tư Việt Nam một dự án khác tại Malaysia.
Câu chuyện đầu tư BĐS nước ngoài của giới nhà giàu Việt Nam được nhắc nhiều ở thời điểm hiện tại bởi những yếu tố liên quan đến nền kinh tế, nhu cầu sở hữu, khả năng tài chính và vấn đề sinh lợi. Theo báo cáo Thịnh Vượng (Wealth Report 2016) mới nhất của Knight Frank, tại Việt Nam, số người thuộc tầng lớp siêu giàu với tài sản 30 triệu USD đã tăng 8% trong năm 2014 – 2015, từ 156 người lên 168 người. Và theo dự đoán tầng lớp này còn tăng 140% từ nay đến năm 2025. Mức tăng trưởng này được đánh giá là cao nhất thế giới.
Ông Anson Tay, Giám đốc mảng thị trường kinh doanh Quốc tế PropNex Internationalchia sẻ: “Chúng tôi đã bắt đầu tìm hiểu về nhà đầu tư Việt Nam từ năm 2012 và đến giờ đã là thời điểm vàng để công bố các BĐS Singapore, Malaysia, Úc tại Việt Nam. Thời điểm vàng này được xác định dựa trên ba yếu tố chính: tích lũy thặng dư của người Việt đã nhiều hơn trong 5 năm trở lại đây nhờ nền kinh tế phát triển ổn định và chính sách mở cửa của Chính phủ; cơ cấu chuyển dịch của nhà đầu tư khi bắt đầu tìm kiếm các sản phẩm thay thế cho sản phẩm BĐS trong nước và cuối cùng là việc mong muốn con cái được học tại các quốc gia phát triển”.
Cùng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) nhấn mạnh, các dự án nước ngoài được giới nhà giàu Việt Nam đánh giá cao bởi môi trường sống và hệ thống giáo dục tốt.
Sự dịch chuyển và tìm kiếm các kênh đầu tư thay thế sản phẩm truyền thống nội địa đang diễn ra khá mạnh mẽ tại thị trường Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Thái Lan… Nguyên nhân là bởi các khu vực này kết nối thuận tiện với Việt Nam (hơn 15 chuyến bay/ngày), nền kinh tế các nước này đang đà tăng trưởng bền vững, môi trường kinh doanh rộng mở thu hút các công ty đa quốc gia, hệ thống giáo dục phát triển…Theo phân tích của các chuyên gia, tuy xu hướng này không mới nhưng nếu trước đây việc đầu tư chỉ phổ biến ở một số nước đông người Việt sinh sống như Úc, Mỹ, Canada thì hiện nay xu hướng đã và đang dịch chuyển mạnh về khu vực Đông Nam Á – nơi ít người Việt sinh sống hơn.
Nếu trước đây, nhà đầu tư phải chủ động tìm kiếm BĐS ở các quốc gia bên ngoài Việt Nam thì hiện nay các dự án nước ngoài được DN và đơn vị tư vấn liên kết quảng bá rầm rộ tại thị trường trong nước.
Cân nhắc các yếu tố đầu tư
Môi trường đầu tư rộng mở, kinh tế ổn định, khoảng cách địa lý gần… là những mặt thuận lợi khi nhà đầu tư lựa chọn các dự án khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, bên cạnh đó, so với dự án trong nước, dự án nước ngoài đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn hơn, đa phần là các dự án hướng đến đối tượng khách mua, thuê cao cấp. Vì thế, theo ông Michael Đặng, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Anpha Holdings: “ Thói quen lướt sóng, chốt lời ngắn hạn hiện đang là xu hướng trong thị trường nội địa nên. khi đầu tư nước ngoài, nghĩa là nhà đầu tư đang tiến đến một thị trường bền vững hơn, thời gian đầu tư dài hơn, cũng như giá trị tài sản lớn hơn”. Đó vừa là cơ hội đồng thời cũng là thách thức đối với nhà đầu tư Việt Nam trong bối cảnh thị trường hội nhập. Theo ông Michael Đặng, những cá nhân, đơn vị trường vốn và hiểu rõ về thị trường đầu tư và nhu cầu khách hàng nước ngoài thì mới nên “đổ” tiền vào dự án nước ngoài.
“Xu hướng này không mới nhưng rõ ràng nhu cầu BĐS ở mỗi quốc gia là khác nhau cũng như những rào cản về pháp lý, môi trường sống, sự biến động giá vàng, tỷ giá….cũng không giống nhau. Đó là những khó khăn mà nhà đầu tư Việt Nam phải đối mặt”, ông Michael Đặng chia sẻ thêm.
Cũng theo ông Michael, để đạt được kết quả tốt, nhà đầu tư nên xác định mục tiêu đầu tư rõ ràng, cân nhắc hai yếu tố “kênh giữ tiền an toàn” và “kênh đầu tư sinh lợi”, từ đó lựa chọn quốc gia để đầu tư. Một quốc gia tốt để đầu tư nên hội đủ yếu tố nguồn cung đất đai hữu hạn, kinh tế có nhiều động lực phát triển bền vững, chính phủ hiệu quả, có tầm nhìn rõ ràng, chính sách đầu tư và kinh doanh thông thoáng. Về vị trí của BĐS nên chọn lựa gần các tiện ích xã hội như trạm tàu điện ngầm, gần các nguồn cầu cho thuê như trường đại học, cao ốc văn phòng của các Tập đoàn đa quốc gia.
Phương Nga
(Theo Nhịp sống thời đại)