Thông tin sẽ cho thí điểm phá sản ngân hàng yếu kém đang khiến nhiều người gửi tiền tiết kiệm tìm cách “chuyển kênh” đầu tư. Ghi nhận thị trường trong những tháng cuối năm cho thấy, dòng tiền đang đổ mạnh vào BĐS.
Mua nhà để “giữ của và cho thuê”
Theo chia sẻ của chị Thu Hoài (Cầu Giấy, Hà Nội), chị từng có suy nghĩ gửi tiết kiệm ngân hàng là giải pháp an toàn nhất. Tuy nhiên, hàng loạt vụ tiền gửi của khách hàng bỗng dưng bị… hack “không cánh mà bay” đã khiến chị lo ngại.
Trao đổi với Pv, chị Hoài cho biết: “Để tiền trong tài khoản mà lúc nào cũng canh cánh, mà lãi suất không đuổi kịp lạm phát nên không ăn thua”.
Theo khảo sát của Pv, cuối tháng 9, một số Ngân hàng thương mại như Vietcombank, Vietinbank và BIDV đã đồng loạt điều chỉnh giảm các mức lãi suất kỳ hạn dưới 1 năm. Tại Vietcombank, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng giảm lần lượt 0.2 và 0.3 điểm phần trăm xuống mức 4.8% và 5.3%. BIDV và Vietinbank có mức giảm mạnh hơn, từ 0.3 – 0.7 điểm phần trăm đối với các khoản tiền gửi kì hạn dưới 1 năm.
BĐS đang là kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn. Ảnh minh họa
Mới đây, thông tin các ngân hàng yếu kém có khả năng cho thí điểm phá sản càng khiến không chỉ chị Hoài mà còn rất nhiều người hoang mang. “Tích cóp mãi được hơn 3 tỉ đồng, lãi suất không bù lạm phát khiến tôi bất an. Thà mua một căn hộ rồi cho thuê cũng được hơn chục triệu một tháng” – chị Hoài tính toán.
Câu chuyện của chị Hoài cũng là tâm lý chung của nhiều người gửi tiền trong thời điểm hiện nay. Lợi nhuận ổn định từ việc cho thuê nhà được đánh giá kênh an toàn mà không lo rủi ro. Chưa kể, đây cũng là giải pháp phù hợp, giúp người mua BĐS duy trì được nguồn tài chính hiện tại đồng thời để dành tích cóp cho những kế hoạch trong tương lai.
Mặt khác, theo nhiều chuyên gia việc dồn tiền mua BĐS cũng phần nào giải quyết tâm lí “sở hữu tài sản” bền vững, chưa kể trong bối cảnh BĐS đang khởi sắc như hiện nay, người mua nhà hoàn toàn có thể kì vọng món “của để dành” này không chỉ sinh lời hàng tháng mà còn có thể tăng giá trong tương lai gần.
Chứng khoán, vàng… không theo kịp BĐS
Khảo sát các kênh đầu tư cũng cho thấy, BĐS vẫn luôn được coi là kênh hấp dẫn số 1. Thị trường vàng gần như không còn sôi động. Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III do VEPR công bố, giá vàng tháng 8 dần hạ nhiệt và đi vào ổn định cho tới hết quý. Đáng chú ý, giá vàng trong nước trong quý III không chịu nhiều ảnh hưởng bởi biến động trên thị trường vàng thế giới và duy trì xu hướng giảm giá. Giá vàng SJC bán ra cuối quý III dao động quanh mức 36.3 triệu đồng/lượng, chỉ tăng 3.1% so với giá vàng quý II.
Với thị trường chứng khoán, chỉ số VNIndex đã tăng tới 20% kể từ đầu năm. Đây được xem là kênh đầu tư khá ổn từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, kênh đầu tư này không phải là sân chơi dành cho những “tay mơ”. Để đầu tư chứng khoán sinh lợi, người “chơi chứng” phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng thay vì chăm chăm a dua để lướt sóng. Do vậy, đầu tư vào chứng khoán không phải là sự lựa chọn của các nhà đầu tư “đại chúng”.
Đánh giá một cách tổng thể thì đầu tư vào BĐS vẫn là giải pháp tối ưu nhất, được ưa chuộng nhất trong các kênh đầu tư hiện nay. Thị trường BĐS hiện nay vẫn đang tiếp tục ổn định bởi những chính sách gần đây của nhà điều hành trong việc kiểm soát nguồn tín dụng BĐS, không có tình trạng phát triển nóng.
Hơn nữa, đây cũng kênh thu hút vốn FDI lớn thứ 2 tại Việt Nam chỉ xếp sau công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngoài ra, thống kê cho thấy có đến 22% lượng kiều hối về Việt Nam đang đổ vào BĐS và dự tăng mạnh từ nay đến cuối năm.
Chủ đầu tư ‘cũ’ đang dẫn ưu thế
Hiện tại thị trường BĐS đang vào giai đoạn nhộn nhịp nhất, đón luồng tiền trong dân và kiều hối cuối năm. Trong cuộc đua này, ưu thế đang thuộc về những dự án trung, cao cấp do những chủ đầu tư có uy tín đã được khẳng định thực hiện.
Sở dĩ những doanh nghiệp địa ốc quen thuộc được ưa chuộng vì kinh nghiệm chờ “dự án trên giấy” của các chủ đầu tư “tay ngang” vẫn còn ám ảnh thị trường. Hiện người mua đều rất thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng đến uy tín, bề dày hoạt động của các chủ đầu tư thay vì chỉ chú trọng đến dự án như trước. Thậm chí, không ít dự án có vị trí đẹp, quảng cáo hoành tráng nhưng vì chủ đầu tư quá mới nên giá tốt cũng không thu hút được khách hàng như kỳ vọng.
Ngoài việc chọn mặt gửi vàng vào những “gương mặt thân quen” – khách hàng hiện tại còn đặc biệt quan tâm đến những dự án đa tiện ích, mang lại cuộc sống chất lượng cao với hạ tầng tiện ích hiện đại và đồng bộ. Sau thời kỳ bùng nổ các khu đô thị, khách hàng có xu hướng thay đổi tư duy về tiêu chuẩn sống, với những đòi hỏi ngày càng cao hơn, nhất là về tiện ích sống và sự an toàn, an ninh, phòng cháy chữa cháy – những yếu tố thường bị coi nhẹ ở cách đây 2 – 3 năm.
Những dự án giá rẻ vẫn bán tốt do hợp với túi tiền đa số người dân nhưng với cơ chế cho vay mua nhà linh hoạt và dài hạn như hiện tại, nhiều người đã quyết tâm vay mượn “với lên” phân khúc cao hơn để được hưởng chất lượng sống tốt hơn và sau này cơ hội cho thuê lại nhà giá cũng tốt hơn. Dự báo, phân khúc trung, cao cấp, do các chủ đầu tư uy tín sẽ thắng thế trong cuộc đua đón sóng cuối năm.