Bộ Tài chính dự định đánh Thuế Tài sản mang tính trực thu, đánh vào những người có tài sản lớn, sở hữu nhiều với mục đích chính là giảm nạn đầu cơ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính sách này trước khi áp dụng cần phải thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng.

Sợ “đánh” nhầm

Đại diện Bộ Tài chính cho hay, việc đánh thuế tài sản cần phải xây dựng luật, và cần Quốc hội cho vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội. 

“Định hướng là sẽ nghiên cứu thuế tài sản áp dụng với nhà cửa và một số loại tài sản khác”, đại diện Vụ ngân sách Nhà nước nói.

Dù chỉ là định hướng, nhưng thông tin này nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Theo tìm hiểu của Pv, hầu hết các ý kiến đều đồng tình, ủng hộ.

đánh thuế tài sản
Đánh thuế tài sản: Cần thận trọng, cân nhắc kỹ. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, một số ý kiến người dân lo ngại, nếu không thận trọng, chính sách sẽ không “chạm” tới mục đích tốt đẹp là hạn chế đầu cơ BĐS, tránh “bong bóng” cho thị trường BĐS.

Ở góc độ người dân, chị Lê Thu Châu (Linh Đàm, Hà Nội) chia sẻ, việc thu thuế tài sản là giải pháp tốt, tuy nhiên cũng cần cân nhắc việc thực hiện. Chị Châu đưa ra dẫn chứng, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM… có nhiều nhà mua hai căn hộ thì diện tích cũng chỉ xấp xỉ 100m2. Trong khi đó, có người mua một căn nhà lên tới vài trăm mét vuông.

“Với việc đánh thuế từ nhà thứ 2, thứ 3 mà không cân nhắc đến diện tích sẽ không tạo nên sự công bằng cho người dân, như vậy sẽ khó tạo được sự đồng thuận trong dư luận”, chị Châu nói.

Chị Phương Liên (Thanh Xuân, Hà Nội) lo ngại, nếu không xem xét cụ thể, sắc thuế này lại khiến tăng thêm gánh nặng, bởi không ít người mua, đầu tư thêm căn nhà thứ 2, 3 đa phần là nguồn tiền đã chịu thuế.

Bày tỏ sự ủng hộ với việc xây dựng thuế tài sản với nhà, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng hiện nay, thực trạng nhà ở không phải chịu thuế, mà thay vào đó mới chỉ đánh vào đất với tỷ suất khá thấp là 0.03% theo bảng giá đất của Nhà nước.

Theo ông Võ, để chống đầu cơ, các nước khác trên thế giới đã áp dụng chính sách giá thấp, thuế cao bằng cách áp cả thuế đất và nhà cho các trường hợp 2 – 3 nhà trở lên, theo nguyên tắc từ 1 – 1.5% giá trị thị trường. Việt Nam lại lựa chọn mức thuế thấp giá cao. Như thế rất mất cân đối với thu nhập và tạo ra những hệ quả xấu, tiêu cực trong phát triển kinh tế xã hội.

Lo bỏ sót

Các chuyên gia đều cho rằng, việc xây dựng chính sách này là cần thiết, nhưng khâu thực hiện cần giải quyết được những bài toán như làm sao đánh thuế mà không cản trở hoạt động của doanh nghiệp, làm sao để tránh được tình trạng “lách” luật, xác định chủ sở hữu BĐS dựa trên cơ sở nào v.v…

Hiện nay, Luật Quản lý đất đai, nhân khẩu ở Việt Nam còn lỏng lẻo, đang còn phải sửa đổi, nâng cấp. Chính vì vậy, nếu thực hiện thu thuế tài sản sẽ có vô vàn cách lách luật.

Theo các chuyên gia BĐS, dữ liệu đất đai ở Việt Nam hiện nay chưa có nên việc xác định được không có sự liên thông, nên để xác định một người có 2 – 3 căn nhà là không dễ. Trong khi đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý nhân khẩu vẫn đang hình thành nên sẽ rất khó để cơ quan thuế thu thuế.

Vấn đề nữa cũng khiến dư luận lo ngại, đó là một người sở hữu một căn nhà và đứng tên sở hữu, nhưng lại để cho người thân như vợ, con, cha mẹ đứng tên, thì cơ quan thuế cũng khó có căn cứ để đánh thuế.

“Khi bị đánh thuế, có thể cho người thân đứng tên. Và không loại trừ, khi thực hiện thì người mua nhà bắt tay ngầm với cán bộ thuế để kê khai chỉ mua một nhà”, một chuyên gia BĐS bình luận.

Tuy vậy, cũng có những ý kiến trái chiều cho rằng, ngoài nhà ở còn có nhiều loại tài sản khác có giá trị lớn, thậm chí lớn hơn giá trị của nhiều loại nhà như ô tô, máy bay, tàu thủy, du thuyền… Nếu chỉ áp dụng thuế tài sản đối với nhà ở thì chưa bảo đảm tính hợp lý, công bằng của một sắc thuế.

Thực tế, đích cuối của những biện pháp mà lãnh đạo Bộ Tài chính đề ra là triệt tiêu nạn đầu cơ BĐS. Đồng thời, các chính sách này cũng sẽ khiến giới đầu cơ BĐS “chùn tay” và sẽ không còn mặn mà với việc “đánh quả” ngắn hạn.

[contact-form-7 id="18637" title="Contact form ở trang tin tức"]