TTO – Nha Trang đã được đầu tư 93,6 triệu USD để thực hiện dự án Cải thiện vệ sinh môi trường TP. Thế nhưng, ngày 18-11, khi vừa có mưa lớn, TP đã bị ngập cục bộ nhiều nơi. Vì sao?
Dự án Cải thiện vệ sinh môi trường TP Nha Trang được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ (72,3 triệu USD) cùng viện trợ của Chính phủ Nhật Bản (1,83 triệu USD) và vốn đối ứng của tỉnh Khánh Hòa (19,5 triệu USD).
Dự án được thực hiện từ năm 2006 – 2014, có mục tiêu “giảm ngập lụt, tăng cường vệ sinh môi trường một cách bền vững, qua đó góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của TP Nha Trang“.
Thế nhưng, ngày 18-11 khi vừa có mưa lớn, TP Nha Trang đã bị ngập cục bộ rất nhiều nơi. Trong đó, có những khu vực ngay trung tâm TP, thuộc các tuyến đường hoặc đường lân cận đã được đầu tư hệ thống cống thoát nước của dự án này.
Chiều tối 18-11, giám đốc Ban quản lý dự án Phát triển tỉnh Khánh Hòa Châu Ngô Anh Nhân (nguyên là phó giám đốc Ban quản lý dự án Cải thiện vệ sinh môi trường TP Nha Trang) có trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ Online về tình trạng ngập cục bộ một số nơi.
Theo ông Nhân, cho đến nay dự án Cải thiện vệ sinh môi trường chưa đầu tư gì ở các khu vực phía bắc TP Nha Trang và đường 23-10 ở phía tây TP (cũng bị ngập). Còn phần lớn các đường đã được đầu tư ở khu vực trung tâm TP thì không bị ngập.
Riêng đối với một số vị trí của các tuyến đường đã được đầu tư hệ thống thoát nước của dự án Cải thiện vệ sinh môi trường TP Nha Trang nhưng vẫn bị ngập, ông Nhân cho biết bản thân ông đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế vào trưa 18-11. Đó là những nơi có nhiều hố ga thoát nước trên mặt đường đã bị rác, xà bần, cát xây dựng lấp. Có chỗ, sau khi người dân dỡ nắp hố ga dọn dẹp thì nước thoát được.
Để tránh tình trạng bị ngập cục bộ, theo ông Nhân, cần duy tu, nạo vét và kiểm tra thường xuyên hơn.
Theo quan sát của phóng viên Tuổi Trẻ Online, ở các đoạn đường, những khu vực trung tâm TP Nha Trang bị ngập cục bộ đều có các công trình dự án nhà cao tầng mới hoàn thành hoặc đang xây dựng. Chẳng hạn, đó là những đoạn thuộc của đường Nguyễn Thị Minh Khai, Hùng Vương, Nguyễn Thiện Thuật, Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng, Hoàng Hoa Thám… Thậm chí, cả đường Trần Phú bên bờ biển Nha Trang cũng có cả đoạn dài bị ngập.
Ông Nhân giải thích: “thực tế không phải hệ thống cống ở các khu vực đó vượt khả năng thoát nước mà cái cần quan tâm là phải kiểm tra, kiểm soát việc bơm nước thải ngầm của chính các công trình xây dựng ở gần đó vào hệ thống cống thoát nước của TP Nha Trang”.
Bởi, các công trình cao tầng, có quy mô lớn ở ngay các khu trung tâm TP thường xuyên có lượng nước thải ngầm rất lớn trong quá trình hoạt động xây dựng và khi thải ra thường kèm cả nhiều cát thải, chất thải có thể tồn đọng, lấp hẹp lòng cống, làm hạn chế nước thoát khi có mưa.
Để kiểm tra, ngăn chặn tình trạng gây tắc, ngập, theo ông Nhân, TP Nha Trang cần cho quay camera kiểm tra lại lòng cống; đồng thời cần kiểm soát chặt chẽ việc xả nước thải ngầm của các công trình xây dựng.
– Nguồn : tuoitre.vn – PHAN SÔNG NGÂN