Theo đề án giãn dân phố cổ, trong quý I/2017, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) sẽ di chuyển 1.530 hộ dân đầu tiên sang khu nhà ở thuộc khu đô thị Việt Hưng. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư và có nguy cơ phải thay đổi lại thiết kế.
Nguy cơ phải làm lại thiết kế
Từ năm 1998, đề án giãn dân phố cổ khu vực quận Hoàn Kiếm đã được nhen nhóm. Tuy nhiên, mãi đến năm 2013, đề án này mới được Hà Nội phê duyệt và chấp thuận cơ chế đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ tại khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên). Trong đó, xác định 4 dự án thành phần gồm: Dự án xây dựng hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật đô thị; xây dựng nhà ở giãn dân; xây dựng hạ tầng xã hội; xây dựng công trình hỗn hợp.
Ngày 27/3/2015, quận Hoàn Kiếm đã tiến hành khởi công dự án xây dựng hạ tầng xã hội khu nhà ở giãn dân gồm công trình nhà trẻ mẫu giáo được xây dựng trên ô đất 2.012m2, gồm 3 tầng. Hiện tại, công trình nhà trẻ mẫu giáo đã thi công xong nhưng dự án thành phần quan trọng nhất là khu nhà ở giãn dân để đưa dân sang sinh sống vẫn phải chờ.
Theo đó, khu nhà ở giãn dân gồm 16 tòa nhà chung cư cao 9 tầng đến nay vẫn là những khu đất trống cỏ mọc um tùm chưa biết ngày hoàn thành. Vị cán bộ Ban Quản lý dự án di dân phố cổ cho biết, hiện tại khu đất xây dựng nhà ở giãn dân đã có mặt bằng “sạch”, đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, nằm trong một khu đô thị mới đồng bộ hạ tầng như Việt Hưng, trong khi thị trường nhà đất đang tốt thì việc lựa chọn nhà đầu tư không phải là việc quá khó lúc này. Song hiện vẫn đang phải chờ vì vừa qua các cơ quan chuyên môn và thành phố có ý kiến trong việc thiết kế liên quan đến tầng hầm.
Trong cuộc làm việc với Thành ủy Hà Nội mới đây, Bí thư Quận ủy quận Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi đã đề nghị TP. Hà Nội sớm phê duyệt dự án khu nhà ở giãn dân để lựa chọn chủ đầu tư xây dựng. Ông Khôi cho rằng, dự án đã chuẩn bị từ lâu, nếu bây giờ phải thiết kế lại dự án thì rất khó khăn.
Bí thư Quận ủy quận Hoàn Kiếm phân tích, thiết kế đã hoàn chỉnh, công sức mấy năm liền mà bây giờ lại yêu cầu thiết kế lại, tăng tầng hầm rồi tăng chiều cao thì rất khó khăn. Thêm nữa, trước mắt ở bên đấy cũng không cần phải tăng tầng hầm. Bây giờ đang xây dựng 1 tầng hầm nếu tăng tầng hầm thì suất đầu tư tăng lên rất lớn và lúc đấy nhà đầu tư cũng e dè. Còn người dân di dời sang đó chịu không nổi khi suất đầu tư tăng lên, giá nhà cũng tăng.
Dài cổ chờ nhà giãn dân phố cổ Hà Nội. Ảnh minh họa |
Dài cổ chờ nhà
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, dự án giãn dân phố cổ thành phố đã có kết luận xung quanh việc triển khai thực hiện khu nhà ở giãn dân. Vị này cho rằng, trước khi quyết định, thành phố đã xem xét kỹ lưỡng để thực hiện dự án tốt hơn. Việc bố trí thêm tầng hầm ở dự án là để giải quyết nhu cầu trước mắt và lâu dài. Để thực hiện tốt, TP. Hà Nội đã giao các sở ngành chuyên môn xem xét để được giải quyết nhanh nhất. Thành phố cũng sẽ có chỉ đạo để quận lựa chọn nhà đầu tư dự án.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, việc thành phố đã chỉ đạo xem xét lại thiết kế tăng tầng hầm cho các tòa nhà cao tầng khu giãn dân phố cổ là cần thiết. Thành phố yêu cầu đầu tư nhà chung cư là phải đáp ứng cho nhu cầu đỗ xe cho người dân ở trong khu chung cư. Ngoài ra, phải bảo đảm chỗ để xe công cộng cho khu vực xung quanh. Với tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân như hiện nay, nhất là ôtô cá nhân, nếu không hết sức quyết liệt giải quyết về giao thông và giao thông tĩnh, trong đó có việc tăng tầng hầm ở các nhà cao tầng thì sẽ trở thành thảm họa giao thông và thảm họa về đô thị.
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho biết, việc giãn dân phố cổ người dân Thủ đô đã chờ 18 năm nay nhưng không biết còn phải chờ bao lâu nữa. Hiện nay, mật độ dân số khu phố cổ quá lớn, gây áp lực cho môi trường sống nên việc giãn dân là cần thiết và phải làm nhanh khu nhà ở để di dân sang. Đối với khu phố cổ hiện nay phải xử lý, cải tạo nhà cũ, chung cư cũ theo hướng giãn dân. Phải có những cơ chế hiệu quả để kiểm soát và ngăn ngừa khả năng tăng dân số trở lại.
Được biết, đề án giãn dân phố cổ quận Hoàn Kiếm được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 với khu đất có diện tích 11,12 ha tại khu đô thị Việt Hưng sẽ phục vụ di dời 1.530 hộ dân; giai đoạn 2, UBND quận Hoàn Kiếm đề nghị thành phố bố trí quỹ đất khoảng 30 ha để di dời 5.020 hộ dân. Dự kiến, việc thực hiện Đề án sẽ kết thúc vào năm 2020.