Doanh nghiệp nội địa đang ráo riết triển khai các thương vụ M&A bất động sản vào thời điểm cuối năm nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư khổng lồ từ các tập đoàn quốc tế.

Trong buổi gặp gỡ báo chí gần đây, Tập đoàn Novaland công bố kế hoạch chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán vào tháng 12/2016. Mục tiêu của Novaland là huy động 200 triệu USD từ các quỹ đầu tư tài chính quốc tế có uy tín và tiềm lực. Hiện Novaland đã huy động được 110 triệu USD. Trước đó, ông lớn này đã huy động được 50 triệu USD từ quỹ đầu tư VinaCapital và hơn 60 triệu USD từ nhóm nhà đầu tư Thụy Sỹ và Hong Kong. Không có chiến lược chào bán cổ phần cho nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ trên thị trường, Novaland hướng 70-80% cổ phần phát hành vào các nhà đầu tư nước ngoài và công ty chứng khoán trong nước nhằm hoàn thành mục tiêu huy động 200 triệu USD. Phần lớn nguồn vốn huy động được sẽ đầu tư vào các dự án của tập đoàn, cơ cấu lại nợ vay nhằm chuẩn bị tốt cho giai đoạn niêm yết lên sàn chứng khoán. Sau khi niêm yết, tỷ lệ tự do chuyển nhượng cổ phần của doanh nghiệp sẽ vào khoảng 20-25%, đến từ đợt phát hành cổ phần riêng lẻ sắp tới và đợt chuyển đổi công cụ tài chính đã huy động trong giai đoạn trước.

đại gia địa ốc săn vốn ngoại

Doanh nghiệp nội ngày càng nắm thế chủ động trong việc tìm kiếm các đối tác đầu tư quốc tế

Một đại gia khác trong ngành BĐS là Sacomreal cũng chia sẻ ý định chuyển đổi sàn niêm yết từ phía Bắc về Tp.HCM và đẩy mạnh phát triển hàng loạt dự án lớn trên phạm vi toàn quốc. Đại diện Sacomreal cho biết sắp tới doanh nghiệp chuẩn bị ký kết hợp tác với một quỹ đầu tư đến từ Nhật Bản, dự kiến giá trị ký kết vào khoảng 1000 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, Sacomreal đã đạt được 70% chỉ tiêu kinh doanh đề ra trong năm 2016. Trong  những tháng cuối năm, với việc chuyển đổi sàn niêm yết cùng nguồn vốn đầu tư mới, doanh nghiệp này sẽ tập trung phát triển hàng loạt dự án nhà ở chiến lược.

Một thương vụ hợp tác đình đám của nhà đầu tư ngoại với doanh nghiệp trong nước được quan tâm gần đây là việc liên doanh Maeda của Nhật Bản và Công ty Thiên Đức sẽ cùng hợp tác phát triển dự án Waterina tại quận 2 với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD. Waterina là dự án cao cấp với 86 căn hộ được triển khai xây dựng trên quy mô 3150 m2. Trong đó phần lớn là các căn hộ thông tầng với các tiêu chuẩn hoàn thiện và tiện ích cao cấp. Tương tự, Tập đoàn Kajima của Nhật cũng ký kết thỏa thuận với Indochina Capital để thành lập liên doanh chuyên về đầu tư bất động sản tại thị trường Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỉ USD trong 10 năm.

Thời gian qua, các doanh nghiệp BĐS Việt Nam đang có động thái tích cực tìm kiếm nguồn vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư quốc tế nhằm mở rộng hoạt động. Ưu thế của doanh nghiệp nội là quỹ đất phong phú, hiểu biết về thị trường và các thủ tục pháp lý. Trong  khi đó, nhà đầu tư quốc tế với nguồn vốn trung hạn và dài hạn từ các quỹ đầu tư lớn là lựa chọn tốt nhất cho những kế hoạch phát triển đường dài. Thời gian qua, không thiếu nhà đầu tư quốc tế bảy tỏ mối quan tâm đến các dự án BĐS tại các đô thị lớn như Tp.HCM, Hà Nội. Có thể kể đến Sumitomo Group dự kiến xây dựng một dự án cao ốc văn phòng có vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD, Toshin Group cũng đang tìm kiếm đối tác để phát triển một dự án với vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD.

Trước đó không lâu, hàng loạt thương vụ M&A đình đám có sự tham gia góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài vừa được công bố tạo tiền đề cho sự ra đời nhiều dự án quy mô lớn. Cụ thể, Keppel Land đã ký kết thỏa thuận đầu tư để nắm giữ 40% vốn tại Công ty TNHH Empire City và sẽ đầu tư 1,2 tỉ USD để xây dựng một khu phức hợp cao cấp tại khu đô thị Thủ Thiêm. Tập đoàn Mapletree của Singapore mua lại Tòa nhà Kumho Asiana Plaza với giá 215 triệu USD. Quỹ đầu tư Frasers Centrepoint Limited Singapore mua 70% cổ phần trong dự án G Homes từ Tập đoàn An Dương Thảo Điền. Tập đoàn Mitsubishi liên kết với Bitexco thành lập liên doanh phát triển dự án nhà ở với tổng vốn đầu tư 290 triệu USD…  

Số liệu từ Sở KH&ĐT Tp.HCM cho biết trong 9 tháng đầu năm, thành phố đã có hơn 1.000 nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký khoảng 1.128 triệu USD. Trong đó, tổng số dự án có vốn đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 478 dự án, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2015 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 693,43 triệu USD.

Theo ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS – Bộ Xây dựng, việc nhiều doanh nghiệp trong nước tăng cường hoạt động tìm kiếm nguồn vốn đầu tư quốc tế, mở rộng hoạt động mua bán sát nhập hoặc liên doanh liên kết với nhà đầu tư ngoại cho thấy chiến lượt phát triển dài hạn, chuyên nghiệp, minh bạch hơn và cố gắng để có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Thị trường BĐS đang có sự phát triển tích cực và ổn định, nhu cầu về BĐS tại các đô thị lớn là rất lớn. Vì vậy, trong thời gian tới, những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế sẽ chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực BĐS. Ngoài ra, tín dụng BĐS tiếp tục tăng trưởng, lĩnh vực BĐS vẫn sẽ là kênh hấp dẫn thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Phương Uyên
(Theo Tuổi trẻ Online)
 

[contact-form-7 id="18637" title="Contact form ở trang tin tức"]