Theo xu thế chung của toàn cầu, nhiều tập đoàn, công ty hiện nay đang thay đổi mô hình văn phòng của mình từ mô hình khép kín truyền thống sang mô hình thiết kế năng động (activity-based workplace solution). Thị trường văn phòng cho thuê Hà Nội cũng đang dần thích nghi với những chuyển động mới đó.
Trong báo cáo vừa công bố mới đây, Công ty Tư vấn bất động sản CBRE đã đưa ra một thông tin đáng chú ý khi trong quý III/2016, thị trường văn phòng Hà Nội ghi nhận sự tăng trưởng của mô hình văn phòng dịch vụ với các tiện ích có sẵn về nội thất và quản lý “Co-working Space”. Trước làn sóng chung toàn cầu đối với “Co-working Space”, nhất là tại các nền kinh tế như Trung Quốc, Hồng Kông, Malaysia hay Indonesia, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng cũng không nằm ngoài xu hướng này, với sự phát triển đa chiều của các môi trường làm việc theo hình thức chia sẻ.
Trong quý III, nhiều mô hình văn phòng theo dạng này đã xuất hiện, gia tăng cả về diện tích cho thuê, sự đa dạng về vị trí, loại hình dịch vụ và số lượng đi kèm. Các tên tuổi mới nhận được nhiều sự quan tâm có thể kể đến như: Elite Business Center (Thanh Xuân); Regus Center (Hoàn Kiếm); CEO Suite (Ba Đình); THT Center (Cầu Giấy); UP Coworking Space (Hai Bà Trưng)…
Bà Nguyễn Bích Trang, Giám đốc Bộ phận cho thuê văn phòng thị trường Hà Nội đánh giá, sự xuất hiện của những mô hình này đã phá vỡ sự chia cách vật lý của văn phòng truyền thống, cùng với đó là định kiến tâm lý về việc mỗi công ty hoặc thậm chí mỗi ban ngành trong một công ty là một cá thể tách biệt và khép kín.
Bà Trang cho biết thêm, điểm đặc biệt của loại hình văn phòng mới này là tính cộng đồng cao, linh hoạt và tiện lợi. Khách thuê vẫn có thể có phòng riêng nếu muốn, hoặc chọn lựa chia sẻ toàn bộ các cơ sở vật chất như khu làm việc chung, wifi, pantry chung, khu vực in ấn…
Thị trường văn phòng tại Hà Nội không đứng ngoài xu thế mới “Co-working Space” |
Cùng với sự phát triển của “Co-working Space”, nhiều tập đoàn, công ty cũng đang chuyển dần sang mô hình thiết kế năng động (activity-based workplace solution) nhằm mang lại sự linh hoạt về giờ giấc và về số lượng ngày làm việc trong tuần, tạo cơ chế tự do làm việc, tạo sự tương tác, trao đổi giữa các nhân viên, nhằm nâng cao tính đa dạng của các hoạt động trên mặt bằng sử dụng, đáp ứng nhu cầu có không gian riêng, không gian họp với đối tác, không gian làm việc nhóm và không gian nghỉ thư giãn.
So với HUB – mô hình văn phòng truyền thống, nhân viên công ty đến làm việc cùng một giờ và ngồi theo hàng dài trong khu làm việc của mình, thì HOME, ROAM, CLUB được đánh giá mang lại nhiều sự chủ động và sáng tạo hơn cho các nhân viên trong việc triển khai các công việc.
Chẳng hạn, ROAM là mô hình chia sẻ nơi làm việc, có thể là nơi công cộng như các trung tâm văn phòng dịch vụ, cung cấp nơi làm việc theo giờ, tuần, hay theo tháng. Đây chính là loại hình “Co-working Space” được đề cập tới ở trên.
HOME là mô hình làm việc bên ngoài văn phòng công ty, có thể ở nhà hoặc khách sạn nhằm đảm bảo nhân viên có sự tập trung cao nhất để hoàn thành công việc.
Còn CLUB là một mô hình đa dạng, nhân viên có thể chọn chỗ họ ngồi để có thể hoàn thành công việc của mình tốt nhất và là tiền đề phát triển phù hợp cho mô hình thiết kế năng động, đã được áp dụng rộng rãi bởi nhiều công ty nổi tiếng trên thế giới như Google, Facebook hay một số công ty thuộc lĩnh vực kiểm toán, ngân hàng, phần mềm, dịch vụ…
Hiện nay, đã có một số đơn vị ở Việt Nam bắt đầu triển khai mô hình làm việc theo xu hướng này, đơn cử như FPT, Vinamilk, Vietcombank, TNR Holdings Vietnam.
Ông Nguyễn Việt Duy, Giám đốc kinh doanh văn phòng TNR Holdings Vietnam – đơn vị đang triển khai văn phòng theo mô hình CLUB cho hay, văn phòng năng động là xu hướng chung trong phát triển sắp tới, khi nó chứng minh hiệu quả trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân tài cho các công ty. Các văn phòng được thiết kế theo mô hình này sẽ đáp ứng được cả 3 yếu tố trong việc sáng tạo, bao gồm sức khỏe, khả năng cá nhân hóa chỗ làm việc, tạo sự thoải mái và tiện nghi với sự hiện đại của các tính năng tự động hóa trong văn phòng làm việc.
Để đạt hiệu quả cao với những mô hình này, tất nhiên cần phải có mặt bằng hiệu quả, không gian rộng, đầy đủ ánh sáng tự nhiên và đầy đủ dịch vụ của một tòa nhà văn phòng tiêu chuẩn.
Báo cáo của Citrix’s Workplace of the Future cho thấy, khoảng 89% các công ty và tập đoàn toàn cầu sẽ thay đổi sang mô hình văn phòng theo thiết kế năng động và di động cho đến năm 2020. Theo Citrix, do thế giới đang chuyển từ nơi làm việc sang những chỗ ngồi để làm việc, công nghệ, thông tin, nhân lực, vì vậy, các chiến lược của bất động sản phải cùng kết hợp với những người lãnh đạo của công ty và nhân viên của họ để hòa nhập với sự thay đổi về mô hình văn phòng làm việc mới và áp dụng hiệu quả.