Tổng cục Thống kê vừa mới đưa ra số liệu mới nhất về tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 9 tháng đầu 2016. Tổng cục Thống kê cho biết, nếu theo giá hiện hành, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1006.9 nghìn tỷ đồng, tăng 9.6% so với cùng kỳ năm trước và bằng 33.1% GDP. Riêng vốn khu vực ngoài Nhà nước đạt 387.7 nghìn tỷ đồng (chiếm 38.5% và tăng 10.1% so cùng kỳ năm ngoái), còn vốn khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 240.4 nghìn tỷ đồng, chiếm 23.9% và tăng 12.6%.
Khung pháp lý còn nhiều bất cập
Mặc dù có sự tăng trưởng đáng kể, nhưng theo thống kê từ Bộ chỉ số kinh doanh Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB), thủ tục cấp phép xây dựng và đăng ký sử dụng đất đã bị chững lại.
Theo đánh giá của giới chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM – Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các quy trình đầu tư, thủ tục cấp phép xây dựng và đăng ký sử dụng đất vẫn còn nhiều trở ngại, gây khó khăn, lúng túng cho các nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý có thẩm quyền trong hành trình tìm kiếm và thực thi các quy định pháp luật, cản trở việc thực thi các luật này. Chưa kể, việc thi hành thủ tục cũng không thống nhất giữa các địa phương.
Đặc biệt, các thủ tục hành chính nhà đầu tư phải thực hiện đối với một dự án đầu tư có sử dụng đất đang được quy định rải rác tại Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đấu thầu… và nhiều văn bản hướng dẫn thi hành luật.
Ông Phạm Khuê Nghiêm (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã chỉ ra rằng, trong quá trình triển khai Luật Đất đai, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã gặp một số bất cập về khung pháp lý trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến dự án đầu tư có sử dụng đất.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 9 tháng đầu 2016 ước tính đạt 1006.9 nghìn tỷ đồng
Về thẩm định nhu cầu, điều kiện giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thì Luật Đầu tư, Luật Đất đai có thống nhất: Văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất; thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất lập khi cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc thẩm định dự án đầu tư hoặc xét duyệt dự án. Điều đó có nghĩa công việc này được thực hiện trong quá trình thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh và chủ trì là Sở Kế hoạch và Đầu tư nhưng lại không quy định cụ thể nội dung, trình tự thực hiện.
Tuy nhiên, Điều 7 của Thông tư 30/2014/TT-BTNMT ngày 2/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) lại quy định trình tự, thủ tục thực hiện thẩm định nhu cầu sử dụng đất; thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, Sở TN&MT lại thực hiện. Điều này rõ ràng là không thống nhất giữa các quy định.
Nên có thỏa thuận đầu tư
Như đề xuất của ông Phạm Khuê Nghiêm, nên quy định thống nhất và cụ thể việc thẩm định nhu cầu, điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được thực hiện khi cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc thẩm định dự án đầu tư hoặc xét duyệt dự án.
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng chưa được quy định thống nhất, đồng bộ giữa các luật, dẫn đến sự chồng chéo về mục tiêu, nội dung quản lý, cơ quan thẩm định, phê duyệt. Đặc biệt, cần lưu ý đến thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng bởi đó là chuỗi thủ tục tồn tại nhiều khó khăn nhất cho doanh nghiệp.
Ngoài vấn đề đất đai, theo ông Đậu Anh Tuấn (Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI), trong luật Đầu tư hiện nay, hình thức giấy phép đầu tư tương đối cứng nhắc, không linh hoạt trong việc nhà đầu tư cam kết về thuế, môi trường, tạo công ăn việc làm, công nghệ, tiến độ… Do đó, cần thay giấy chứng nhận đầu tư bằng hình thức thoả thuận đầu tư, được ký giữa nhà đầu tư và cơ quan nhà nước. Nhà đầu tư cam kết về vốn, tiến độ, ngành nghề, môi trường, quy hoạch…
Ngoài ra, trong thủ tục đối với khối FDI, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp (Điều 26) chưa cụ thể, chưa rõ ràng. Đơn cử như “ngành nghề có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài” là không cụ thể, rõ ràng. Trong khi đó, các doanh nghiệp được góp vốn, mua cổ phần thường có ngành nghề đăng ký kinh doanh rất đa dạng, nhiều ngành nghề. Chưa kể, nguy cơ tiềm tàng là “bán dự án”, “đứng tên công ty”.
Vì vậy, cần quy định thủ tục đăng ký đầu tư cho các dự án đầu tư nước ngoài từ góp vốn, mua cổ phần, vốn góp. Hơn nữa, cần có thủ tục rà soát các ngành nghề của tổ chức kinh tế trong hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) theo các cam kết mở cửa thị trường và danh mục ngành nghề có điều kiện.