Dù đang “sa lầy” tại hàng loạt dự án lớn từ Bắc tới Nam nhưng Tập đoàn Berjaya (Malaysia) vẫn mong muốn tiếp tục nghiên cứu xúc tiến triển khai một số dự án tại Đà Nẵng mà tập đoàn này đang quan tâm.
Ngày 3/10 vừa qua, Chủ tịch Tập đoàn Berjaya (Malaysia) Vincent Tan đã có buổi làm việc và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho hay, lĩnh vực BĐS, căn hộ và khu nghỉ dưỡng cao cấp trên địa bàn thành phố hiện có tốc độ tăng trưởng gần 30%/năm, đóng góp tích cực vào phát triển ngành dịch vụ du lịch, thương mại của thành phố trong thời gian qua. Năm 2016, dự kiến Đà Nẵng thu hút hơn 5,1 triệu lượt khách, trong đó hơn 1,5 triệu lượt khách quốc tế.
Theo lãnh đạo TP. Đà Nẵng, thành phố hiện có 11 dự án đầu tư nước ngoài của Malaysia với tổng vốn đầu tư khoảng 118,1 triệu USD, trong đó có một số dự án nổi bật như dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp của Công ty TNHH Massda Land; dự án sản xuất nến xuất khẩu của Công ty TNHH Sinaran Việt Nam; dự án sản xuất lắp ráp xe khách từ 18 – 21 chỗ ngồi của Công ty TNHH TCIE Việt Nam,… |
Bí thư Nguyễn Xuân Anh hi vọng rằng, với những ưu thế của Đà Nẵng và sự cam kết đồng hành của lãnh đạo thành phố với doanh nghiệp, đây sẽ là điểm đến để tập đoàn Berjaya thiết lập sự hiện diện của mình tại Đà Nẵng trong thời gian tới.
Bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển năng động của thành phố và ghi nhận những tiềm năng, ưu thế của Đà Nẵng về lĩnh vực địa ốc, du lịch…, Chủ tịch Tập đoàn Berjaya Vincent Tan cho hay, thời gian tới, Tập đoàn Berjaya sẽ nghiên cứu xúc tiến triển khai một số dự án trên địa bàn TP. Đà Nẵng mà tập đoàn này đang quan tâm.
Tập đoàn Berjaya là cái tên khá quen thuộc với thị trường BĐS Việt Nam. Kể từ năm 2006 đến tháng 2/2007, Tập đoàn này đã là doanh nghiệp đầu tiên của Malaysia nhận được giấy phép đầu tư và phát triển mảng BĐS tại Việt Nam. Cho đến nay, Berjaya đã đầu tư 9 dự án lớn tại Việt Nam với số vốn đăng ký lên tới 9,98 tỷ USD.
Phối cảnh dự án khu đô thị Đại học Quốc tế Việt Nam (VIUT) do Tập đoàn Berjaya làm chủ đầu tư đang nằm trên giấy và có nguy cơ bị thu hồi. Ảnh: Bqltaybac |
Điển hình như dự án khu đô thị mới Thạch Bàn – Hà Nội (Ha Noi Garden City do Berjaya – liên doanh với Công ty CP Đầu tư và phát triển nhà số 12 Hà Nội); dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam (VFC) và dự án khu đô thị Đại học Quốc tế (VIUT) đều tại Tp.HCM; dự án Nhon Trach New City Center và dự án Biên Hòa City Square đều tại Đồng Nai.
Ngoài ra, Berjaya còn đang nắm quyền kiểm soát 3 khách sạn lớn là khách sạn Sheraton tại Hà Nội (tỷ lệ sở hữu 70%); khách sạn Intercontinental tại Hà Nội (tỷ lệ sở hữu 75%); Long Beach Resort tại Phú Quốc, Kiên Giang (tỷ lệ sở hữu 70%).
Mặc dù sở hữu những dự án khủng nhưng tình hình kinh doanh của Tập đoàn Berjaya tại Việt Nam lại không mấy khả quan. Khu căn hộ và biệt thự thuộc dự án Hanoi Garden City tại Hà Nội không bán được do nằm ở vị trí bất lợi, còn dự án khu đô thị Đại học Quốc tế (VIUT) tại Tp.HCM với mức đầu tư là 3,5 tỷ USD mới đây cũng đang bị “dọa” thu hồi giấy chứng nhận đầu tư nếu không đủ điều kiện tiếp tục triển khai.
Trong khi đó, dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam đã được UBND Tp.HCM cấp phép đầu tư từ tháng 7/2008, song hiện nay vẫn chỉ là dự án trên giấy.