Tp.HCM kiến nghị Chính phủ chấp thuận xây cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức đối tác công tư (loại hợp đồng BT).
Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thanh Phong kiến nghị Thủ tướng cho phép địa phương được quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư (Liên danh Công ty cổ phần Phát triển BĐS Phát Đạt – Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hạ tầng 620 – Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng 168) làm nhà đầu tư thực hiện Dự án, theo thẩm quyền được quy định tại Điều 26, Luật Đấu thầu.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp.HCM cho biết: “Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, thành phố sẽ triển khai nghiên cứu việc di dời các cầu cảng K12, K12A, K12B hiện hữu về vị trí khác phù hợp tại khu vực cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè để triển khai thực hiện đồng thời với việc đầu tư Dự án Xây dựng Cầu Thủ Thiêm 4”.
Được biết, Liên danh Công ty cổ phần Phát triển BĐS Phát Đạt – Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 đã xác nhận sẽ sẵn sàng ứng vốn đầu tư di dời các cầu cảng K12, K12A, K12B hiện hữu về xây dựng tại địa bàn cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè nếu có chủ trương thực hiện.
Tp.HCM kiến nghị Chính phủ chấp thuận xây cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức BT
Việc đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 sẽ giảm áp lực giao thông cho cầu Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm, đồng thời tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển Khu đô thị mới phía Nam Tp.HCM. Cầu có tổng chiều dài khoảng 2.160m, trong đó cầu chính từ bờ quận 7 đến phía quận 2 có quy mô 6 làn xe; nhánh cầu dẫn N1, N2 bờ quận 7, từ cầu chính đáp xuống đường Huỳnh Tấn Phát quy mô hai làn xe; cầu dẫn trên đường Nguyễn Văn Linh bố trí từ trước nút giao Nguyễn Văn Linh – cầu Tân Thuận hai quy mô 4 làn xe. Chiều dài cầu chính là 1.565 m, có khẩu độ, tĩnh không 80×10 m.
Dự án Xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 có tổng vốn đầu tư khoảng 5.254 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí lãi vay trong quá trình thi công, các chi phí tài chính có liên quan trong quá trình xây dựng, hoàn vốn và lợi nhuận của nhà đầu tư. Các chi phí này sẽ được xác định trong quá trình thương thảo, đàm phán hợp đồng.